Y học cổ truyền kết hợp vật lý trị liệu chữa suy nhược thần kinh

Suy nhược thần kinh là vấn đề ai cũng từng gặp phải ít nhất một lần trong đời, nhất là trong cuộc sống hiện đại ngày nay, áp lực công việc, cuộc sống, thói quen sinh hoạt… là những “thủ phạm” hàng đầu gây bệnh. Tuy nhiên, hầu hết mọi người chưa có nhận thức đúng đắn về bệnh và hậu quả của nó. Suy nhược thần kinh kéo dài là nguyên nhân chính dẫn tới trầm cảm. Theo thống kê của Viện Sức khỏe tâm thần, có tới 30% dân số ở nước ta mắc các bệnh rối loạn tâm thần, trong đó, tỷ lệ trầm cảm chiếm tới 25%.

1. Nhận biết suy nhược thần kinh

Mất ngủ là một trong những triệu chứng chủ yếu của suy nhược thần kinh. Mất ngủ do suy nhược thần kinh thì thời gian ngủ ban đêm không ít, nhưng ngủ không sâu và yên giấc cứ chập chờn, vì vậy ban ngày họ thường mệt mỏi và ngủ gật. 

Dấu hiệu thường gặp khác của suy nhược thần kinh là:

  • Mệt mỏi không có nguyên nhân, nghỉ ngơi bồi dưỡng cũng không thể phục hồi được thể lực, thậm chí càng ngủ càng cảm thấy suy yếu. Đi kèm là trạng thái tinh thần bực bội khó chịu, không yên, nằm trên giường cứ suy nghĩ mông lung, khó đi vào giấc ngủ. 
  • Các cơ quan khác của cơ thể cũng thường cảm thấy khó chịu, như tim hồi hộp đập nhanh, tức ngực thở gấp, khó chịu ở dạ dày, kinh nguyệt không đều... 
  • Đau mỏi cột sống, thắt lưng, cảm giác đau nhức cơ, rối loạn cảm giác... 
  • Đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, 
  • Khó tập trung, trí nhớ giảm sút, 
  • Dễ cáu kỉnh, 
  • Cảm giác buồn nôn, chán ăn, trướng bụng, đầy hơi, táo bón...

Phân biệt với một số bệnh rối loạn tâm thần: trầm cảm, lo âu, rối loạn dạng cơ thể,…

2. Điều trị suy nhược thần kinh bằng Đông Y

Suy nhược thần kinh hay còn gọi là tâm căn suy nhược theo Y học cổ truyền. Tâm căn suy nhược được mô tả trong phạm vi nhiều chứng bệnh của Y học cổ truyền: Kinh quý, chính xung, kiện vong (quên), đầu thống (nhức đầu), thất miên (mất ngủ)…

YHCT cho rằng do thất tình (lo nghĩ, căng thẳng tinh thần quá độ), cơ địa thần kinh yếu (tiên thiên không đầy đủ) dẫn tới công năng (tinh, khí, thần) của các tạng phủ đặc biệt là tâm, can, tỳ, thận bị rối loạn.

Châm cứu, xoa bóp bấm huyệt có tác dụng rất tốt trong điều trị tâm căn suy nhược. Tuy nhiên cần phải xác định rõ từng thể bệnh để điều trị cho đúng.

2.1. Thể Can khí uất kết:

(Suy nhược thần kinh do stress)

  • Triệu chứng: Tương ứng với giai đoạn hưng phấn tăng và do người bệnh bị tác động bởi sang chấn với tính chất kéo dài hay kế tiếp nhiều sang chấn gây bệnh
  • Pháp điều trị: Sơ can, lý khí, an thần.
  • Bài thuốc: Câu đằng 12g, cúc hoa 8g, thảo quyết minh 12g, cam thảo dây 12g, tô ngạnh 8g, hương phụ 8g, chỉ xác 8g, hạt sen 16g. Sắc uống ngày 1 thang.
  • Châm cứu: Châm tả Thái xung, Nội quan, Thần môn, Tam âm giao, A thị huyệt,…Nhức đầu: châm Phong trì, Bách hội, Thái dương.Đàm hỏa, đàm uất: châm thêm Túc lâm khấp, Đởm du.
    Châm cứu mỗi ngày 1 lần từ 20-30p. Liệu trình từ 7-10 ngày. Kết hợp thủy châm với các thuốc bổ thần kinh.
  • Xoa bóp bấm huyệt: Xoa bóp day ấn các huyệt như trên. Mỗi lần 10-15p.

2.2. Âm hư hỏa vượng:

Ức chế giảm nhưng hưng phấn tăng (âm hư dương xung)

  • Triệu chứng: Hoa mắt chóng mặt, nhức đầu, ù tai, hay quên, hồi hộp, dễ xúc động, vui buồn thất thuờng, ngủ ít, hay mê, miệng khô, họng khô, có cơn bốc hỏa, táo bón, nước tiểu đỏ, mạch huyền tế sác
  • Pháp điều trị: tư âm giáng hỏa, bình can tiềm dương, an thần
  • Bài thuốc cổ phương: Kỷ tử 12g, dạ giao đằng 12g, cúc hoa 12g, câu đằng 8g, hoài sơn 12g, sa sâm 12g, mạch môn 12g, táo nhân 12g, lạc tiên 16g, hạt cây xấu hổ 12g, bình vôi 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
  • Châm cứu:
    Châm bổ các huyệt Thận du, Thái khê, Tam âm giao, Thái xung, Nội quan, Thần môn.
    Tả các huyệt: A thị huyệt,…
    Châm cứu mỗi ngày 1 lần từ 20-30p. Liệu trình từ 7-10 ngày. Kết hợp thủy châm với các thuốc bổ thần kinh.
  • Xoa bóp bấm huyệt: Xoa bóp day ấn các huyệt như trên. Mỗi lần 10-15p.

(Lạc Tiên cứu tinh của mất ngủ, suy nhược thần kinh)

2.3. Can Thận âm hư:

Nặng về ức chế giảm, ít triệu chứng về hưng phấn tăng (nặng về triệu chứng của thận âm, can huyết, tâm âm hư, ít triệu chứng về dương xung)

  • Triệu chứng: Hoa mắt chóng mặt, nhức đầu, ù tai, hay quên, hồi hộp, dễ xúc động, vui buồn thất thuờng, ngủ ít, hay mê, miệng khô, họng khô, có cơn bốc hỏa, táo bón, nước tiểu đỏ, mạch huyền tế sác.
  • Pháp điều trị: tư âm giáng hỏa, bình can tiềm dương, an thần
  • Bài thuốc cổ phương: Thục địa 12g, khiếm thực 8g, kỷ tử 12g, kim anh tử 8g, hà thủ ô 12g, thỏ ty tử 12g, táo nhân 12g, bá tử nhân 12g, ba kích 12g, hạt sen 16g, long nhãn 12g, hạt cây xấu hổ 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
  • Châm cứu:
    Châm bổ các huyệt Thận du, Thái khê, Tam âm giao, Thái xung, Nội quan, Thần môn.
    Tả các huyệt: A thị huyệt,…
    Châm cứu mỗi ngày 1 lần từ 20-30p. Liệu trình từ 7-10 ngày. Kết hợp thủy châm với các thuốc bổ thần kinh.
  • Xoa bóp bấm huyệt: Xoa bóp day ấn các huyệt như trên. Mỗi lần 10-15p.

2.4. Tâm tỳ hư:

  • Triệu chứng: Ngủ ít, dễ hoảng sợ, ăn kém, sút cân, người mệt mỏi, hai mắt thâm quầng, hồi hộp, tức ngực, ít nhức đầu, rêu lưỡi trắng, mạch nhu tế hoãn.
  • Pháp điều trị: Kiện tỳ, dưỡng tâm an thần.
  • Bài thuốc: Bạch truật 12g, đảng sâm 12g, củ mài 12g, ý dĩ 12g, hạt sen 16g, long nhãn 12g,     táo nhân 12g, bá tử nhân 12g, kỷ tử 12g, đỗ đen sao 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
  • Châm cứu:
  • Châm bổ Tỳ du, Vị du, Túc tam lý, Nội quan, Thần môn, Tam âm giao.
    Tả các huyệt: A thị huyệt,…
    Châm cứu mỗi ngày 1 lần từ 20-30p. Liệu trình từ 7-10 ngày. Kết hợp thủy châm với các thuốc bổ thần kinh.
  • Xoa bóp bấm huyệt: Xoa bóp day ấn các huyệt như trên. Mỗi lần 10-15p.

2.5. Thận âm thận dương hư:

Tương ứng với thể ức chế và hưng phấn thần kinh đều giảm

  • Triệu chứng: Sắc mặt trắng, tinh thần ủy mị, lưng gối mỏi yếu, nam giới có thể di tinh, liệt dương, sợ lạnh, lưng và chân tay lạnh, ngủ ít, tiểu tiện trong dài, nhiều lần, lưỡi nhợt, mạch trầm tế vô lực.
  • Pháp điều trị: Ôn thận dương, bổ thận âm, an thần, cố tinh.
  • Bài thuốc: Thục địa 16g, ba kích 12g, kim anh 8g, khiếm thực 12g, phụ tử (chế) 4g, nhục quế 4g,  thỏ ty tử 12g,  tục đoạn 12g, hạt sen 12g, táo nhân 12g, lạc tiên 12g.
  • Châm cứu:
    Cứu các huyệt: Quan nguyên, Khí hải, Mệnh môn, Thận du, Tam âm giao
    Châm bổ các huyệt: Nội quan, Thần môn.
    Tả các huyệt: A thị huyệt,…
    Châm cứu mỗi ngày 1 lần từ 20-30p. Liệu trình từ 7-10 ngày. Kết hợp thủy châm với các thuốc bổ thần kinh.
  • Xoa bóp bấm huyệt: Xoa bóp day ấn các huyệt như trên. Mỗi lần 10-15p.

3. Các điểm cần lưu ý trong điều trị suy nhược thần kinh:

Tâm căn suy nhược bao giờ cũng có yếu tố tâm lý, do đó điều trị phải chú ý đến phương pháp chữa bệnh bằng tâm lý. Khai thác tính tích cực lạc quan của người bệnh bằng cách tâm tình động viên để người bệnh chấp hành các phương pháp chữa bệnh của thầy thuốc.
Điều trị ngoại trú kết hợp với thay đổi môi trường sống và làm việc.

(Theo doisongsuckhoe)